Khoảng thời gian làm hồ sơ giấy tờ để xin cấp visa có lẽ là khoảng thời gian vất vả nhất, trường bên Tây Ban Nha khi đấy có gửi cho tôi Accommodation letter (giấy tờ đăng ký chỗ ở) với 3 lựa chọn: kí túc xá, ở cùng nhà người bản địa và thuê trọ ngoài cùng với sinh viên quốc tế. Các bạn đã từng đi du học châu âu đều biết là chi phí ở kí túc xá bên đấy không hề rẻ chút nào (theo như tôi đọc trong tờ thông tin là 400euro/tháng) và hoàn toàn không được nấu ăn nên không phù hợp với kế hoạch tiết kiệm tiền để đi du lịch của tôi, còn ở cùng nhà với người bản địa tôi lo là sẽ không được thoải mái như ở cùng với sinh viên, nên cuối cùng tôi quyết định lựa chọn phương án thứ ba.
Ngày thứ hai ở Valladolid, sau khi lên trường làm thủ tục nhập học, tôi tạm biệt những người bạn của mình để trở về chỗ trọ để gặp ông chủ trọ lúc 2 giờ chiều. Nhưng mà để tìm được đường về cũng là một thử thách đối với một đứa lần đầu đi nước ngoài như tôi lúc đấy, bởi dù đã được nhà trường cấp sim mới nhưng ở bên này người ta nạp thẻ điện thoại qua thẻ ngân hàng mà ngay đến thẻ ngân hàng tôi còn chưa làm. Không sóng, không wifi, không biết tiếng và người dân ở đây cũng không nói được tiếng anh nhưng ít ra tôi còn có một người anh Việt Nam bên cạnh để giúp tôi tìm taxi.
Anh ấy dạy tôi là ở châu Âu, để vẫy taxi thì người ta thường nắm tay lại và giơ ngón trỏ lên mỗi khi có một chiếc taxi nào đi qua. Tôi nghe theo và đợi, 20 phút trôi qua mà không có nổi một chiếc taxi nào khiến tôi trở nên hoang mang, đi lang thang từ đầu phố xuống cuối phố cũng không ăn thua. Cuối cùng tôi đánh liều dùng body language (ngôn ngữ hình thể) để hỏi một người lạ qua đường chỗ có bãi đỗ taxi. Anh chàng đẹp trai này cũng nhiệt tình dẫn tôi ra chỗ bãi đỗ, thế là tôi tạm biệt anh chàng, tạm biệt người bạn của mình để xuất phát. Đôi khi ngôn ngữ không phải là thứ duy nhất giúp con người ta giao tiếp với nhau!.
Khi đến nơi, những tưởng mọi chuyện sẽ êm đẹp cho đến khi tôi lại tá hoả part 2 để rồi cứ đứng như trời trồng trước cửa căn chung cư. Tôi không có chìa khoá để vào (đương nhiên) và bên cạnh có một bảng gồm các chữ số và chữ cái mà tôi còn không biết dùng như thế nào.Thật sự lúc đầu, tôi không hề biết là bảng chữ số thể hiện cho số tầng còn chữ cái là số thứ tự của phòng, ví dụ phòng tôi ở tầng 1 phòng E, tức là tôi phải ấn 1E để báo cho người bên trong biết mà mở cửa (xin thứ lỗi cho cái sự quê mùa của một con bé sinh ra và lớn lên ở vùng núi như tôi, từ trước đến nay chỉ nhìn thấy nhà trọ sinh viên với nhà ở bình thường, chứ chưa hình dung ra nổi cái căn chung cư là như thế nào).
Nhưng mà trước sau gì tôi cũng ngộ ra được cái chân lý đó chứ nếu không chắc tôi mọc rễ ở chỗ đấy mất, người mở cửa đón tôi là cô gái người Séc xinh đẹp, tên Ana; ở cùng phòng với tôi còn có một cô gái người Nga và một anh chàng người Albania (quốc gia ở Đông Nam châu Âu) với bộ râu quai nón khá ấn tượng.
Màn giới thiệu làm quen diễn ra khá suôn sẻ, hầu hết bọn họ đều trông rất cao ráo và chững chạc hơn tôi, sau đó là tôi được gặp ông chủ trọ. Đó là một người đàn ông Tây Ban Nha trung tuổi, cao gầy và thân thiện, ông cũng rất nhiệt tình hướng dẫn tôi cách tìm đường đến trường, siêu thị, công viên, thư viện,.. trên một chiếc bản đồ giấy bằng chất giọng tiếng Anh pha lẫn tiếng Tây Ban Nha đặc trưng. Và cuối cùng, đúng với lễ nghi của dân Á Đông, tôi có biếu ông một hộp bánh đậu xanh Hải Dương như một món quà làm quen đến từ Việt Nam. Dù ngày hôm đó khá mệt nhưng ít nhất là tôi cũng học được cách bấm chuông ở chung cư để gọi người ra mở cửa!
Cuộc sống của tôi suốt khoảng thời gian sau đó tại Valladolid đầy những điều mới lạ và tất nhiên kèm theo đó là những lúc thăng lúc trầm như những nốt nhạc trong một bản nhạc giao hưởng. Valladolid khiến tôi mê đắm bởi vẻ đẹp cổ kính có phảng phất nét dấu tích của một thành phố vốn là trung tâm văn hoá chính trị của Tây Ban Nha vào thế kỷ 17, với vô số những nhà thờ và cung điện tuyệt đẹp được xây dựng hoàn toàn bằng đá thiên nhiên từ thời trung cổ và theo dọc suốt chiều dài lịch sử với biết bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc, chúng vẫn được bảo toàn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Đứng ngắm nhìn những toà lâu đài sừng sững và lộng lẫy đó, bất giác lòng tôi chợt dấy lên câu hỏi: “Liệu máu bao nhiêu người đã đổ trong những cuộc chinh phạt của đế quốc Tây Ban Nha khi xưa đến những vùng đất Nam Mỹ để có thể xây dựng được một đất nước thịnh vượng và phát triển như thế này?”. Không chỉ là những bảo tàng, những công trình kiến trúc vĩ đại tượng trưng cho một thời huy hoàng của đế quốc Tây Ban Nha, Valladolid còn đem đến cho tôi là những người bạn nước ngoài đầu tiên_ đó là một chị gái người Nam Phi tên Linda, đang theo học thạc sĩ ngành sư phạm Anh theo hệ Erasmus Mundus, học bổng cao học danh giá nhất hành tinh.
Chúng tôi đã cùng nhau đi khám phá thành phố, cùng đi mua sắm ở những phiên chợ truyền thống, đi lễ nhà thờ vào ngày chủ nhật và cùng nhau nghe những bài thánh ca của Thiên chúa giáo mặc dù tôi chẳng hiểu gì; chị cũng đã tết cho tôi kiểu tóc đặc trưng của người châu Phi và đến bây giờ tôi vẫn còn giữ chiếc túi có in hình đất nước Nam Phi mà chị ấy tặng cho mình như một món quà kỷ niệm.
Bảo tàng José Zorrilla
Đó là những người bạn mới cùng chung lớp đại học, đến từ mọi quốc gia trên thế giới, chúng tôi đã cùng nhau trò chuyện, học tiếng của nhau, cùng nhau tổ chức những buổi party xuyên đêm, cùng cười cùng khóc cùng làm những chuyện điên rồ để rồi mỗi khi nhớ lại tôi đều bất giác mỉm cười vì những năm tháng mình đã điên như thế.
Valladolid cũng là nơi che giấu những nỗi buồn, những giọt nước mắt mà tôi đã lặng lẽ rơi nơi xứ người. Là những cú sốc văn hoá đầu đời khi tôi không thể hoà nhập hoàn toàn với lối sống văn hoá phương Tây, tôi không thích đi bar, không biết hút thuốc, uống rượu, không quen với những buổi tiệc xuyên đêm với đám bạn nước ngoài cùng phòng; là những lần chúng tôi mâu thuẫn vì sự khác biệt giữa lối sống phương Tây và lối sống Á Đông.
Là những lần khủng hoảng thật sự khi cảm giác những kiến thức trên trường sao mà quá xa vời với tôi đến thế, nhiều lần tự hỏi học trái ngành bằng tiếng anh liệu có phải là một quyết định quá mạo hiểm hay không; sự thất vọng cùng nỗi cô đơn đã khiến cho một đứa con gái tưởng chừng rất mạnh mẽ và vững vàng sau 4 năm học đại học xa nhà ở Việt Nam cũng phải rơi những giọt nước mắt đầu tiên. Nhưng thật may tôi cũng biết là mình không hề cô đơn, vẫn có những người bạn Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước đều nhiệt tình động viên, giúp đỡ tôi những lúc tôi suy sụp.
Là những câu nói ấm lòng từ những người bạn cùng phòng : “Are you ok?”, “Don’t worry, you will be fine”mỗi khi họ thấy tôi áp lực chuyện bài vở.
Tôi_từ một đứa con gái tự ti, không biết thể hiện cảm xúc một cách đúng đắn ra bên ngoài, không biết quan tâm đến người khác cũng dần dần học cách mở lòng ra hơn, thoải mái bày tỏ suy nghĩ của riêng mình và cũng bắt đầu biết lắng nghe tâm tư người khác; thì lúc đó tôi mới nhận ra được một điều rằng: Chẳng có cuộc sống của ai là hoàn hảo cả, có những người tôi vốn ngưỡng mộ vì sự tài giỏi của họ nhưng cũng ít ai ngờ đến là trong quá khứ họ đã phải trải qua những khó khăn như thế nào, những lần trăn trở nhiều ra sao để có thể tạo nên một con người tốt đẹp như họ ở hiện tại.
Xin được mượn một lời trích dẫn trong tác phẩm Nhà giả kim để thay cho phần kết của bài viết: “Rồi hãy ngủ yên tối nay, như một chiến binh trước ngày ra trận. Đừng quên rằng trái tim cậu ở đâu thì kho báu cũng ở đó; cũng như phải tìm cho ra kho tàng thì những gì cậu học được trên đường mới thật có ý nghĩa”. Mỗi thử thách, mỗi vấp ngã trên đường đời đều là những “kho tàng” vô giá mà cuộc sống ban tặng cho bạn, để bạn có thể học được cách tự mình đứng lên, tự mình cầm lấy thanh gươm như một người chiến binh thực thụ, chiến đấu cho giấc mơ và lý tưởng của cuộc đời mình. Và đừng quên, những lúc mệt mỏi, đừng ngần ngại mở lòng bởi vì luôn có những người sẵn sàng dang tay ra ôm lấy bạn, ở bên cạnh không ngừng cổ vũ bạn và cuối cùng hãy nhớ một điều rằng: những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim.